VOV.VN - VIFOREST vừa cảnh báo rủi ro trong gian lận thương mại đối với các mặt hàng đồ gỗ, trong đó có tủ bếp và ghế sofa.
Tại Hội thảo "Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam" diễn ra ngày 15/10, nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã đưa ra cảnh báo rủi ro trong gian lận thương mại các mặt hàng đồ gỗ, trong đó có trường hợp tủ bếp và ghế sofa.
TS. Tô Xuân Phúc, cố vấn cao cấp của Forest Trends cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đã và đang tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường tại Mỹ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhằm thay thế một phần các mặt hàng từ Trung Quốc bị Chính phủ Mỹ áp các mức thuế mới. Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng tạo ra những rủi ro mới cho Việt Nam, bao gồm rủi ro về gian lận xuất xứ.
"Rủi ro này xảy ra khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó được xuất khẩu vào Mỹ", ông Phúc nêu rõ.Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam trong đó có mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, rủi ro gian lận thương mại đang là thách thức hiện hữu mà mặt hàng tủ bếp, ghế sofa phải đối mặt..
Tủ bếp là một trong những mặt hàng đối diện với rủi ro gian lận thương mại. (Ảnh minh họa: KT)
Trung Quốc là nước cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất trên thế giới và là nhà xuất khẩu số một vào Mỹ, trong khi Mỹ là một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ đồ gỗ nhiều nhất trên thế giới. Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này dẫn đến nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh. Chỉ tính riêng mặt hàng đồ gỗ, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ tụt xuống 29 tỷ USD năm 2019 từ 38 tỷ USD của năm trước đó.
Sự sụt giảm về kim ngạch các mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào thị trường Mỹ được thay thế một phần từ luồng cung mới từ Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 5,13 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với kim ngạch năm 2018. Kim ngạch từ thị trường này chiếm khoảng 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào tất cả các thị trường.
Trong 7 tháng năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 3,23 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, ghế sofa (94016100) và bộ phận ghế sofa (94019099) thuộc nhóm các mặt hàng ghế ngồi (9401) là nhóm có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Đồ nội thất phòng bếp (940340) cũng tăng 156%.
Hiện Trung Quốc là nguồn cung duy nhất các bộ phận của ghế sofa cho Việt Nam. Giá trị và lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất cao kể từ tháng 6/2020 đến nay.
Ghế sofa cũng là mặt hàng được cảnh báo có thể phải chịu rủi ro gian lận thương mại. (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA), cần lưu ý tới những tín hiệu gian lận thương mại ở mặt hàng tủ bếp và bộ phận của ghế sofa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại là vấn đề sống còn của ngành gỗ nói riêng và tất cả các ngành kinh tế nói chung.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, từ nguồn dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan phối hợp với thông tin từ doanh nghiệp và các hiệp hội xác định các sản phẩm có dấu hiệu rủi ro. VIFOREST xây dựng mạng lưới thu thập thông tin thông qua các doanh nghiệp và các hiệp hội địa phương. Hiệp hội quốc gia và các hiệp hội địa phương xây dựng liên kết với các công ty Trung Quốc làm ăn nghiêm túc tại Việt Nam, khai thác và tiếp nhận thông tin từ mạng lưới liên kết này nhằm định vị các công ty có hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhập khẩu.
Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, tính phức tạp của các hành vi gian lận thương mại đòi hỏi việc xử lý kịp thời và hiệu quả vượt khỏi phạm vi của cơ quan hải quan. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan khác, bao gồm công thương, thuế, tài chính...
"Thành lập nhóm hành động nhằm giải quyết vấn đề với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan là điều tối quan trọng. Nhóm hành động cùng cần bao gồm các thành viên hiểu rất rõ về ngành, đặc biệt trong khâu sản xuất, chế biến từ đó có thể cung cấp các thông tin về tình trạng sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào, tình trạng công nghệ, sử dụng lao động…" - ông Đỗ Xuân Lập nêu ý kiến./.
Trần Ngọc/VOV.VN