Người dân, chủ đầu tư, ban quản trị trong nhà chung cư được lắp thêm, tháo dỡ những hạng mục nào trong nhà chung cư?

Cửa kính mới lắp tại tầng trệt của lô A1.1, chung cư Giai Việt (Q.8) - Ảnh: Ngọc Hà

Khác với nhà ở riêng lẻ, việc sửa chữa, lắp đặt thêm hoặc dỡ bỏ bớt một số hạng mục trong nhà chung cư có quy định riêng.

Cuối năm 2015, tại khối nhà A1.1 chung cư Giai Việt Quốc Cường Gia Lai (đường Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM) xảy ra một vụ tranh chấp giữa hai nhóm cư dân về việc lắp cửa kính dấu vân tay.

Theo đó, chung cư sẽ lắp bốn cửa kính để kiểm soát toàn bộ lối ra vào chung cư: hai cửa ra vào ở tầng trệt và hai cửa lắp tại lối đi vào thang máy ở hầm của chung cư. Chi phí lắp cửa kính từ tiền đóng góp của các hộ dân.

Theo ban quản lý chung cư, có hơn một nửa số phiếu thăm dò ý kiến đề nghị lắp cửa kính và non nửa số phiếu 
đề xuất ý kiến khác.

Phần sử dụng chung: phải xin phép

Nhóm đồng ý lắp cửa kính dấu vân tay cho rằng cần thiết như vậy để kiểm soát những người đến và đi khỏi chung cư để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho tài sản của người dân.

Những người không đồng ý thì lập luận việc lắp cửa kính này không bảo đảm về an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn cho người dân chung cư.

Các cửa kính nằm chắn ngang các lối thoát hiểm, nếu xảy ra sự cố (chập điện, ngắt điện, cháy nổ...) mà hệ thống nhận diện dấu vân tay trục trặc, cửa không mở được thì người dân không có chỗ chạy ra ngoài.

Bên cạnh đó, đối với các hộ tầng trệt thì các lối vào ở tầng trệt còn là nơi đón gió, cửa 
kính sẽ làm cản gió.

Do không được sự đồng thuận của toàn bộ cư dân nên chung cư chỉ mới được lắp cửa kính chứ chưa lắp hộp nhận diện dấu vân tay thì bị Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Q.8 lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công, tháo dỡ cửa kính đã lắp.

Nhưng cho đến nay, các cửa kính trên vẫn còn nguyên. Cạnh cửa kính còn dán tờ giấy thông báo có cửa kính để người dân qua lại khỏi bị đụng.

Giữa tháng 1-2016, Cảnh sát PCCC TP.HCM có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần Giai Việt (chủ đầu tư của chung cư).

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết hướng dẫn lắp cửa khóa từ cho các cửa bảo đảm theo quy chuẩn.

Cụ thể, chỉ lắp để khóa cửa hướng ngược chiều thoát nạn, còn hướng thuận chiều thoát nạn thì không khóa, bảo đảm cho mọi người đều có thể thoát nạn trong mọi tình huống. Một số tòa nhà tại TP.HCM cũng đã được hướng dẫn lắp khóa 
từ theo quy chuẩn trên.

Một cán bộ của Sở Xây dựng TP cho biết theo quy định thì phải có quá 50% các hộ dân trong chung cư đồng thuận.

Nếu có quá 50% đồng thuận mà vẫn còn nhiều ý kiến mâu thuẫn trái chiều thì việc lắp cửa kính cũng phải được cân nhắc, tránh gây khiếu nại, tranh chấp, mâu thuẫn giữa những nhóm cư dân trong chung cư.

Phần sử dụng riêng: 
có thể được thay đổi

Ông T. mua một căn hộ chung cư có một phòng ngủ tại Q.Phú Nhuận và muốn dỡ bỏ các bức tường của phòng ngủ để thiết kế lại căn hộ theo ý mình. Các chuyên viên của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong lịch sử quản lý chung cư của TP cũng gặp những trường hợp tương tự.

Nhiều năm trước, khi cơ quan chức năng đi thực địa để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho một chung cư trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) thì phát hiện nhiều căn hộ ở tầng trệt mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương không còn vách ngăn.

Nguyên nhân là do một chủ nhà mua nhiều căn và dỡ vách ngăn để lấy không gian buôn 
bán cho rộng rãi.

Sở Xây dựng cũng từng nhận đơn phản ảnh của người dân về việc chủ các căn hộ ở tầng trệt của một chung cư tại Q.11 tháo vách giữa hai căn hộ để mở rộng diện tích mặt bằng mở quán cà phê.

Chủ một căn hộ ở chung cư trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú) từng bị cơ quan chức năng xử phạt và yêu cầu khôi phục nguyên trạng vì đã khoét cửa sổ của căn hộ thành cửa ra vào.

Thực tế trên cho thấy nhu cầu thiết kế lại căn hộ cho phù hợp với thói quen sinh hoạt của chủ căn hộ là phổ biến.

Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết việc tháo vách ngăn giữa các căn hộ, tháo vách ngăn giữa các phòng trong một căn hộ chung cư là vi phạm hành vi trong quản lý và sử dụng nhà chung cư theo quy định tại quyết định 08 năm 2008 của Bộ Xây dựng.

Theo đó, chủ sở hữu nhà chung cư bị cấm thay đổi kết cấu, thiết kế của phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng (xây tường ngăn lên mặt sàn, di chuyển các trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật gắn với phần sở hữu chung, đục phá căn hộ, cơi nới diện tích...).

Ông Nguyễn Đình Chiến (phó chủ tịch UBND P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):
Nhà riêng lẻ muốn trổ cửa phải xin phép
Đối với nhà ở liền kề, chủ nhà được sửa chữa nguyên trạng, có thể thay đổi từ nâng nền nâng mái, thay đổi số phòng, vị trí phòng, nhà vệ sinh, bếp, phòng khách... mà không làm thay đổi quy mô, kết cấu chịu lực và diện tích nhà.
Tuy nhiên, chủ nhà phải che chắn cẩn thận để tránh bụi cho nhà hàng xóm, không gây tiếng ồn quá mức cho phép, gây ồn 
vào giờ nghỉ ngơi.
Chủ nhà liền kề muốn trổ cửa sổ hoặc cửa đi đều phải xin phép UBND quận huyện. Trường hợp cửa sổ hoặc cửa đi cách ranh đất nhà kế bên dưới 2m thì phải được chủ nhà liền kề, phía cửa sổ nhìn thấy đồng ý.
Nếu trổ cửa ra hẻm nhỏ hơn 2m thì phải được chủ nhà đối diện đồng ý, trổ cửa ra hẻm chung thì phải có sự đồng thuận của 
các hộ xung quanh.
Trường hợp nhà phố liên kế có tường chung thì một bên chủ nhà muốn sửa chữa phải có ý kiến thỏa thuận của chủ nhà liền kề. Nếu chủ nhà liền kề chung tường không đồng ý thì người sửa nhà không được đụng đến bức tường chung.

DƯƠNG NGỌC HÀ / TuoiTre.vn (duongngocha@tuoitre.com.vn)

Xem thêm: Tư vấn Thủ tục sửa chữa nhà ở
 
Top