Một câu chuyện những tưởng ai cũng biết, cũng hiểu và cũng nhận thức nhưng vẫn thường nhật ở công trình xây dựng. Vì cuộc sống mưu sinh họ đã đành sống chung với nghề.

Trong con mắt những ai, Sài Gòn luôn ngột ngạt, bận bịu và hỗn tạp. Nên sau những giờ làm việc, ai nấy cũng muốn mau trở về nhà hoặc chọn một không gian yên tĩnh nào đấy thư giãn. Còn với tôi, sau giờ tan ca là có thói quen dong xe dạo một vòng nhìn ngắm từng ngóc ngách, ngõ hẻm và hơi thở cuộc sống Sài Gòn đang chảy. Biết bao câu chuyện đời thường những tưởng giản đơn nhưng đáng để chúng ta ngẫm suy. Chuyện dưới là một đơn cử…

Câu chuyện cảm động về nữ công nhân lau chùi sơn

Hôm đó là một buổi chiều muộn. Tôi bắt gặp người nữ công nhân tại một căn nhà đang thi công nằm vùng ven thành phố. 18h chiều, thời điểm giao ca đã 1h. Lẽ ra, chị đã trở về nhà sau những giờ lao lực mệt nhọc. Nhưng chị vẫn nhẫn nại ngồi tựa lưng vào gốc cây gần đó, quần áo mặt mày lem nhem những thứ màu sơn nước, đôi mắt hiển hiện sự mệt mỏi, chân tay rụng rời, và còn…tiếng thở hổn hển…

Hỏi ra mới biết, chị tên Nhung, năm nay 37 tuổi, người miền Tây, đã có chồng và 2 con. Do nhà nghèo, chồng bệnh tật, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai chị. Chị Nhung chia sẻ trong sự mệt mỏi: “Không hiểu sao từ ngày làm nghề sơn nước này cảm thấy sức khỏe giảm sút rõ rệt. Cứ sau giờ “gồng mình” hoàn thành công việc thì tinh thần ể oải, chỉ muốn ngủ đi thôi. Cách đây không lâu, vì kiệt sức nên được chị em phòng trọ đưa đi viên cấp cứu, chuyền nước. Bác sĩ có nói là do tiếp xúc với môi trường làm việc không đảm bảo, hít thở không khí chứa nhiều độc tố gây hại cho phổi, da và một số bộ phận liên qua đến hô hấp.”

Chị Nhung chia sẻ thêm: Chị bén duyên với nghề sơn cũng chỉ bởi thu nhập hấp dẫn. Công việc chủ yếu là lau chùi nền nhà, tường nhà và các dụng cụ phục vụ cho sơn. Chị là người tiếp xúc trực tiếp với sơn. Hầu hết những nơi chị đã kinh qua, nhãn mác thương hiệu sơn khá mờ nhạt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, vì gánh nặng và áp lực cuộc sống nên chị không thể bỏ nghề. “Có lẽ đó cũng là lý do khiến sức khỏe giảm sút. Biết là vậy nhưng kiếm nghề khác cũng khó và chưa chắc thu nhập được như thế.” – chị Nhung cho biết.

Câu chuyện người nữ công nhân lau chùi sơn rất nhỏ, rất đời thường nhưng ý nghĩa và nhân văn, nhưng mấy người tinh tế và sáng suốt nhận ra. Thời gian không chờ đợi một ai, và khi nhận ra thì đã muộn. Và rồi cứ thế, ngày qua ngày, chị Nhung vẫn thức dậy và vẫn bắt nhịp cuộc sống bằng nghề lau chùi sơn với bao hiểm nguy rình rập. Chị đã nhận thức nhưng có lẽ chị không còn nghề nào phải chọn ngoài nghề này.

Trời sập tối, tạm biệt chị Nhung ra về khi phố đã lên đèn. Những câu nói đau đáu của chị Nhung khiến đôi chân tôi bước cũng không đành. Tôi vẫn bị “ám ảnh” bởi lời thở dài cùng khuôn mặt nhợt nhạt của chị: “Ước gì ngày nào đó được làm việc này ở một nơi mà sử dụng những loại sơn đảm bảo an toàn sức khỏe để còn có thể sống thêm cùng chồng con.”

Vũ Tâm / baotinnhanh.vn
 
Top