Nếu bạn nghĩ rằng hành trình vòng quanh thế giới của chiếc máy bay năng lượng mặt trời là rất ấn tượng thì hãy đợi tới khi bạn chiêm ngưỡng sân bay năng lượng mặt trời mà Ấn Độ vừa mới xây dựng.
Sau một dự án xây dựng và phát triển lớn, sân bay Quốc tế Cochin tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.
Sân bay này được tuyên bố là “hoàn toàn độc lập về năng lượng”, có nghĩa rằng, năng lượng mặt trời đủ cung cấp cho mọi hoạt động của sân bay mà không cần nguồn hỗ trợ nào khác. Điều này rất ấn tượng bởi Sân bay Quốc tế Cochin là một trong những sân bay lớn nhất Ấn Độ với diện tích của ga quốc tế đã lên tới gần 140 ngàn m2.
Để cấp đủ năng lượng cho các hoạt động tại sân bay, Ấn Độ đã xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời với công suất 12 MWp ngay bên trong sân bay. Nhà máy được xây dựng từ 46 ngàn tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng trên một diện tích hơn 18 ha.
Nhà máy điện mặt trời dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 – 60 ngàn KWh điện mỗi ngày, số lượng điện cần thiết để duy trì các hoạt động thường ngày của sân bay.
Sân bay Cochin bắt đầu chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2013 bằng việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời lên mái của ga quốc tế mới được xây dựng năm 2011. Trong thời gian 2 năm mở rộng diện tích đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại sân bay, sân bay đã sử dụng đồng thời cả năng lượng mặt trời lẫn điện lưới.
Tới hiện tại, khi các tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt xong, sân bay đã có thể chạy hoàn toàn bằng nguồn năng lượng tái tạo này. Tuy vậy, sân bay vẫn kết nối với điện lưới để phòng những ngày u ám không có nhiều ánh nắng mặt trời để cung cấp điện cho hoạt động của sâ bay.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, các nhà khoa học hy vọng rằng, việc sử dụng năng lượng mặt trời tại sân bay Cochin sẽ giúp Ấn Độ cắt giảm được 300 ngàn tấn carbon phát thải ở Ấn Độ trong vòng 25 năm tới.
Theo: Hà Phương/ Vietnamnet (Theo Digital Trends)