Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) nói đến việc thực hiện và quảng bá về "xu hướng xây dựng căn hộ xanh". Nhưng, xem ra lại theo những "chuẩn xanh" khác nhau. Thực tế, đã có những công trình “dán mác xanh” để đẩy giá thành cao hơn rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một nghịch lý, bởi tòa nhà xanh thì phải tiết kiệm năng lượng, muốn tiết kiệm thì phải quan tâm đến các giải pháp kiến trúc và xây dựng. Với những công trình phải tốn kém chi phí, sử dụng vật liệu đắt tiền từ thiên nhiên thì không thể xem là kiến trúc xanh được. "Xanh nhưng phải rẻ thì mới gọi là xanh" - ông Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh.

Vậy theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên "kiến trúc xanh", đặc biệt là công trình căn hộ chung cư?

- Từ nhiều năm về trước, các nước trên thế giới đã đưa ra tiêu chí kiến trúc xanh trong xây dựng công trình. Việt Nam hiện nay đang tiêu chuẩn hóa tiêu chí này. Cụ thể, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập Hội đồng công trình xanh Việt Nam và xây dựng Hệ thống đánh giá công trình xanh - Lotus, nhằm vận động, khuyến khích chủ đầu tư tham gia xây dựng các công trình thân thiện với môi trường. Có nhiều yếu tố tạo nên kiến trúc xanh, dễ nhận thấy nhất gồm 2 loại:

Phối cảnh ''vườn thiền'' trên không (Sky Park) tại dự án Diamon Lotus - Công trình xây dựng theo chuẩn xanh LEED của Mỹ do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư.

Phối cảnh ''vườn thiền'' trên không (Sky Park) tại dự án Diamon Lotus - Công trình xây dựng theo chuẩn xanh LEED của Mỹ do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư.

Xanh từ vật liệu xây dựng: Đó là việc các tòa nhà, chung cư sử dụng những vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường như kính, đèn led, nước, đèn compact, năng lượng mặt trời… Những vật liệu này có thể thay đổi được, thời điểm sử dụng tùy thuộc vào chủ đầu tư. Nếu một tòa nhà trước đây không có những vật liệu trên thì bây giờ vẫn được công nhận là kiến trúc xanh nếu sử dụng vật liệu xanh để thay thế.

Xanh từ kiến trúc: Đó là việc tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, mang lại không khí tự nhiên cho tòa nhà bằng giải pháp kiến trúc. Phải thiết kế tạo sự thông thoáng từ tầng hầm, sân thượng, ban công, phải có công viên và vỉa hè xanh, luôn mang lại nắng gió tự nhiên cho tất cả các căn hộ và cả tòa nhà. Biện pháp kiến trúc hình thành từ giai đoạn thiết kế, mang tính bền vững và không thể thay đổi được. Nếu một tòa nhà không được thiết kế kiến trúc xanh thì phải tốn rất nhiều chi phí để sử dụng vật liệu, trong khi đó nếu được thiết kế ngay từ giai đoạn đầu, không cần tốn chi phí sử dụng vật liệu xanh, tòa nhà vẫn có thể tiết kiệm năng lượng, thông thoáng, thân thiện với môi trường.

Những công trình như thế nào được gọi là "chuẩn kiến trúc xanh", thưa ông?

- Theo tôi, kiến trúc xanh ngoài việc tiết kiệm năng lượng sử dụng còn phải tiết kiệm năng lượng thi công, sử dụng các giải pháp khoa học trong kết cấu công trình. Sử dụng các giải pháp kết cấu, cấu trúc bê tông cốt thép như cột, đà, đan… (giảm sắt, bê tông nhưng vẫn đảm bảo độ bền của kết cấu), trong xây tường, trần nhà (tiết kiệm diện tích xây tường bao một cách khoa học). Tiết kiệm còn thể hiện qua việc sử dụng những nguyên vật liệu bền, đẹp, rẻ mà vẫn đảm bảo thân thiện môi trường (dùng nhựa tổng hợp hoặc nhôm, gỗ ép thay gỗ tự nhiên…).

Những công trình phải tốn kém chi phí, sử dụng vật liệu đắt tiền từ thiên nhiên thì không thể xem là kiến trúc xanh được (tiết kiệm năng lượng phải được thực hiện ngay từ giai đoạn thiết kế - xây dựng). Giải pháp áp dụng kỹ thuật trong xây dựng sẽ đem lại công trình rẻ, thân thiện môi trường thì mới có thể gọi là xanh. Tóm lại xanh nhưng phải rẻ!

TP Hồ Chí Minh đã thực sự có những căn hộ - khu đô thị "chuẩn xanh" hay chưa?

- Hiện nay, cụm từ "Kiến trúc xanh" được "dán mác" cho nhiều cao ốc văn phòng, chung cư và nhiều công trình xây dựng khác. Thậm chí còn có công trình chỉ vì sơn màu xanh nên gọi là kiến trúc xanh!

Theo các kiến trúc sư, TP Hồ Chí Minh mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, 2 công trình được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore, đặc biệt chưa có công trình nào đạt chứng nhận Lotus của Việt Nam.

Theo ông, một "chung cư xanh" thì cần phải có các tiêu chí cụ thể nào?

- Theo tôi, có 4 yếu tố để hình thành một chung cư xanh, đó là: Kiến trúc xanh, Không gian xanh, Môi trường xanh và Hiệu quả xanh. Mục đích cuối cùng là nhằm tiết kiệm năng lượng, tạo nên một bầu không khí trong lành, không bị tình trạng oi bức, ngột ngạt (thường xảy ra phổ biến ở các chung cư như hiện nay), mang lại môi trường sống xanh cho cư dân. Đồng thời, dứt khoát giá bán phải rẻ, phí quản lý phải thấp, cộng đồng dân cư thân thiện, có ý thức cao trong việc lựa chọn và bảo vệ môi trường sống của mình (con người xanh).

Xin cảm ơn ông!

 
Top