Theo quyết định do số 33/2015 của Thủ tướng Chính phủ (hiệu lực từ 1.10.2015) hộ nghèo sẽ được vay 25 triệu đồng để sửa nhà với lãi suất 3%/năm trong 10 năm. Tuy nhiên, không ít người nghèo hờ hững với khoản hỗ trợ này...

Ăn còn chưa đủ


Nơi ra vào của 4 mẹ con chị Lê Thị Anh, trú tại thôn 7, xã Hương Long (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) khó có thể gọi là nhà. Những cột chống xiêu vẹo, tường trát đất loang lổ, thủng lỗ chỗ. Chị Anh buồn bã chia sẻ, chồng chị mất cách đây gần 5 năm sau một lần bị tai biến. 4 mẹ con chị sống kiệt quệ, “chỗ nằm” hiện tại dù chẳng ấm áp gì nhưng cũng cho mẹ con chị “co cụm” được một chỗ.

Nghe tin được vay 25 triệu đồng sửa nhà mà chị Anh chẳng vui mừng gì. “Một mình tôi nuôi 3 con nhỏ lại bị bệnh tật, cuộc sống của 4 mẹ con giờ chỉ có 1,8 sào ruộng và khoản tiền trợ cấp hơn 350.000 đồng/tháng (mẹ đơn thân nuôi con). Tôi không thể vay tiền để sửa nhà, vì vay rồi cũng không thể trả được”.

Hộ nghèo e ngại vay tiền sửa nhà
Ngôi nhà dột nát của mẹ con chị Lê Thị Anh xã Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Duyên

Còn gia đình chị Lê Thị Loan - anh Lê Văn Đồng (thôn 8, xã Hương Thuỷ) càng bi đát hơn. Vợ chồng anh không được lanh lợi như người bình thường, 3 đứa con cũng bị thiểu năng trí tuệ. Chị Loan cho biết, cả gia đình đều ốm yếu, ăn chưa đủ thì làm sao dám vay tiền sửa nhà.

Ông Bạch Đình Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thuỷ (huyện Hương Khê) cho biết: “Với thực tế ở địa phương thì đa số người dân khó dám vay 25 triệu đồng để sửa nhà. May chăng chỉ một số ít hộ nghèo nhưng vẫn còn có anh em, con cái có “tiềm lực” để trông vào thì mới dám vay tiền”.

Tăng trách nhiệm


Theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, trong giai đoạn 1 (2008-2014), chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg đã hỗ trợ hơn 500.000 hộ nghèo có điều kiện sửa nhà, xây mới. Ông Đàm phân tích, ở giai đoạn 1, số tiền hỗ trợ 7-8 triệu đồng/hộ là quá ít so với chi phí xây hoặc sửa nhà, nếu không được địa phương hỗ trợ thêm thì cũng chỉ sửa chắp vá. Kinh phí Nhà nước có hạn cũng không thể hỗ trợ số tiền lớn hơn. Do đó, thay vì cho không, giai đoạn 2, Nhà nước cho vay tối đa 25 triệu đồng để các hộ sửa nhà. Điều này sẽ giảm sự  ỷ lại của người nghèo vào cộng đồng đối với những “chính sách cho không”.

Thực hiện Quyết định 167 giai đoạn 1, huyện Hương Khê đã hỗ trợ cho khoảng 2.223 hộ nghèo sửa chữa và làm mới nhà ở (với tổng số tiền đã giải ngân là 16,895 tỷ đồng). Tuy nhiên, nói về giai đoạn 2, ông Đường Hải Dương - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Khê cũng không lạc quan: “Mức vay cao hơn, thời gian trả nợ dài hơn sẽ tạo điều kiện cho người nghèo nhưng nếu là hộ nghèo neo đơn, cao tuổi thì mức rủi ro cũng sẽ cao hơn. Thực tế trong quá trình thực hiện Quyết định 167 giai đoạn 1 đã có những đối tượng vay vốn để làm nhà nhưng nhà vừa hoàn thành không may qua đời thì khoản nợ đó rất khó để thu hồi”.

Tuy nhiên, ông Đàm nhận định, với lãi suất 3%/năm, trả nợ trong vòng 10 năm, dù vay tối đa 25 triệu đồng thì mỗi năm hộ nghèo cũng chỉ phải trả 2-3 triệu đồng (cả gốc và lãi). Số tiền này không đến mức “làm khó” đa số hộ nghèo. “Thực tế, qua việc đánh giá giám sát của Ban chỉ đạo Chương trình 167 cho thấy, người nghèo khi được tạo điều kiện vay vốn họ rất có ý thức để làm việc hoàn trả vốn. Dư nợ xấu chỉ ở mức 0,4%, thấp hơn nhiều so với các khoản vay khác” – ông Đàm cho biết.

  Gia đình chị Vì Thị Tiến (bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La) đang phải sống trong nhà sàn xiêu vẹo, ván vách hở hoác. Chị cho hay: “Nếu được vay 25 triệu đồng, lãi suất thấp trong vòng 10 năm thì gia đình tôi phấn khởi quá. Được ở nhà kiên cố, chúng tôi sẽ yên tâm làm ăn và trả nợ.

Theo: DanViet
 
Top